Dịch tả lợn châu Phi lan đến 46 tỉnh, thành phố

Theo Cục Thú y (Bộ NN-PTNT), báo cáo từ các địa phương cho biết đã có thêm tỉnh Cà Mau và Đắk Lắk xuất hiện ổ dịch tả lợn châu Phi.

Lực lượng chức năng tiêu hủy 4 tấn lợn nhiễm dịch tả lợn châu Phi tại H.Trảng Bom (Đồng Nai) ẢNH: LÊ LÂM
Lực lượng chức năng tiêu hủy 4 tấn lợn nhiễm dịch tả lợn châu Phi tại H.Trảng Bom (Đồng Nai)
ẢNH: LÊ LÂM

Đến ngày 30.5, cả nước có 46 tỉnh, thành phố đang có dịch tả lợn châu Phi với trên 1,85 triệu con lợn bị tiêu hủy.

Tại Cà Mau, ông Nguyễn Thành Huy, Chi cục trưởng Chi cục chăn nuôi – thú y tỉnh, xác nhận trên địa bàn có 2 ổ dịch tả lợn châu Phi (ở H.Phú Tân và H.Ngọc Hiển). Toàn bộ số lợn mắc bệnh đã được cơ quan chức năng tiến hành tiêu hủy.

Cùng ngày, trao đổi với Thanh Niên, ông Trần Việt Cường, Chủ tịch UBND H.Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc), cho biết UBND H.Vĩnh Tường đã chỉ đạo công an huyện và công an các xã tăng cường công tác quản lý và truy nguồn gốc về những xác lợn trôi trên kênh thủy lợi Liễn Sơn dạt về khu vực cống Ba Cửa, xã Chấn Hưng trong ngày 26.5, để có biện pháp xử lý nghiêm minh.

Ngày 29.5, Bộ NN-PTNT cho biết, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đã ký ban hành hướng dẫn các địa phương thực hiện một số biện pháp khẩn cấp về quản lý giết mổ, tiêu thụ sản phẩm từ lợn khi có dịch tả lợn châu Phi.

Lợn vận chuyển vào địa bàn tỉnh Bến Tre đều bị dừng để kiểm soát và thực hiện đầy đủ các quy định tiêu độc, khử trùng ẢNH: BẮC BÌNH
Lợn vận chuyển vào địa bàn tỉnh Bến Tre đều bị dừng để kiểm soát và thực hiện đầy đủ các quy định tiêu độc, khử trùng
ẢNH: BẮC BÌNH
Theo đó, Bộ cho phép các cơ sở giết mổ tập trung, nhỏ lẻ đảm bảo yêu cầu vệ sinh thú y được phép tiếp nhận, giết mổ lợn khỏe khi có kết quả xét nghiệm âm tính với mầm bệnh dịch tả lợn châu Phi từ cơ sở nuôi lợn ở trong vùng đang có dịch, ngoài vùng dịch thuộc phạm vi trong và ngoài địa bàn cấp tỉnh. Lợn từ cơ sở nuôi phải vận chuyển trực tiếp đến cơ sở giết mổ, không vận chuyển lợn đến điểm thu gom tập trung để giảm thiểu nguy cơ lây lan mầm bệnh.
Đối với lợn xuất phát từ cơ sở thu gom, kinh doanh phải có kết quả xét nghiệm âm tính với mầm bệnh dịch tả lợn châu Phi trước khi vận chuyển đến cơ sở giết mổ. Lợn từ các tỉnh khác chuyển về ngoài yêu cầu kiểm tra âm tính với mầm bệnh dịch tả lợn châu Phi, lợn phải được kiểm dịch và cấp giấy chứng nhận kiểm dịch vận chuyển ra khỏi địa bàn cấp tỉnh. Đặc biệt, ở vùng đang có dịch tả lợn châu Phi, lợn trước khi được vận chuyển đến cơ sở giết mổ, chủ cơ sở chăn nuôi phải báo cho cơ quan thú y địa phương để giám sát và lấy mẫu xét nghiệm mầm bệnh.
Về lấy mẫu xét nghiệm, Bộ NN-PTNT cũng cho phép lấy mẫu từ nhiều con lợn khác nhau để gộp thành một mẫu xét nghiệm.
Đánh giá sơ bộ sau 2 ngày tập trung ngăn chặn dịch bệnh lây lan, ông Nguyễn Văn Buội, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Bến Tre, cho biết công tác này đang gặp nhiều khó khăn, nhất là tại 12 bến phà, cũng như các chuyến đò ngang giáp tỉnh Vĩnh Long – nơi đã xuất hiện ổ dịch tả lợn châu Phi. Mặt khác, hiện đang là thời điểm giao mùa, các tỉnh ĐBSCL có hệ thống kênh rạch dày đặc, giao thông đường thủy, đường bộ đan xen nên rất khó kiểm soát; mầm bệnh dễ phát tán và lây lan vào tỉnh.
Theo thanhnien.vn

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *